banner
Thứ Năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024
Tiếng Việt

Bài viết dự thi: Câu chuyện ở khoa ung bướu bệnh viện đa khoa Đắk Lắk

Ngày đăng: 05/03/2016
Lượt xem: 2284
Đối với những sinh viên y, có lẽ 2 năm là một thời gian đủ dài để những khao khát đi lâm sàng được rực cháy. Chúng tôi ai cũng rất hào hứng vì ngày mai thôi, ừ chỉ ngày mai là được đóng vai trò là một “bác sĩ tập sự”...
Buôn Ma Thuột đã vào Đông thật rồi! Những cơn gió lạnh lẽo thốc mạnh vào người, cuốn theo đám lá vàng xơ xác bay ngang, tôi đang đi dạo trong khuôn viên trường Đại học Tây Nguyên, ngôi trường mà tôi đã gắn bó gần 3 năm nay. Chiều thơ thẩn quanh trường trong cái tiết trời ấy, trong cái khung cảnh đẹp mà buồn man mác ấy, ngắm những dòng người qua lại, chợt thấy lòng mình dấy lên bao nhiêu cảm xúc về những kỉ niệm trong đời sinh viên…
Là một sinh viên y, tôi đã dần quen với những buổi sang vội vã trên giảng đường, những buổi chiều mài đũng quần trong thư viện và những buổi tối ôn thi mệt mõi đến nỗi về nhà chỉ muốn nằm ườn ra là tưởng như có thể chìm ngay vào giấc ngủ, để sáng mai lại tiếp tục một guồng quay như thế. Nhưng, đó chỉ là câu chuyện của 2 năm đầu tiên, năm 3 chúng tôi bắt đầu học các môn lâm sàng, đi thực tập trên bệnh viện và trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân; đó sẽ mãi là những kí ức mà tôi không thể nào quên trong chặng đường y khoa của mình. Nơi chúng tôi thực tập đầu tiên đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất – Khoa Ung Bướu - BV Đa Khoa tỉnh Đăk Lăk. 
Đối với những sinh viên y, có lẽ 2 năm là một thời gian đủ dài để những khao khát đi lâm sàng được rực cháy. Chúng tôi ai cũng rất hào hứng vì ngày mai thôi, ừ chỉ ngày mai là được đóng vai trò là một “bác sĩ tập sự”, rồi ta sẽ hỏi bệnh, sẽ áp dụng những kiến thức đã được học để so sánh trên bệnh nhân, sẽ được nhìn tận mắt những triệu chứng trước nay chỉ nhìn qua sách vở, sẽ được đi bệnh viện cùng các anh chị khóa trên,…Chao ôi, bao nhiêu điều đó đủ khiến tôi thao thức lăn qua lăn lại như con cá nướng mà mắt không chịu khép …
Tôi còn nhớ mãi ngày đầu tiên khi bước vào khoa ung bướu, sự háo hức trong tôi đã tắt lịm khi thấy những bệnh nhân hiểm nghèo, những nét mặt mệt mỏi, đau đớn, nhũng khối u to đến nỗi tưởng chừng như muốn vắt kiệt sức sống bệnh nhân, những ổ loét hoại tử rỉ dịch,… tất cả như khiến tôi lặng người đi. Có chút gì đó thay đổi trong tôi, tôi mơ hồ biết được rằng sự thức khắc nghiệt hơn mình tưởng, có chút gì đó thay đổi, tôi nghĩ về vai trò của mình và những số phận không may mắc phải những căn bệnh quái ác tại đây.
Tôi vẫn nhớ một anh thanh niên trạc khoảng 25 tuổi, ở độ tuổi tràn trề sức khỏe của một người đàn ông mà anh nằm đó, ánh mắt thờ ơ vô định. Làn da vàng vọt, mụn nổi nhiều trên mặt, và người gầy rộc đi, chỉ có cái bụng là căng vồng lên. Bên cạnh là một người mẹ lam lũ, với nắng gió đất trời, với ngược xuôi buôn bán, bỏ tất cả để ngồi đó bên đứa con trai có thể bỏ bà rời đi bất cứ lúc nào. Trái tim người mẹ quả là kì quan vĩ đại nhất trong những kì quan vĩ đại trên thế giới này. Tôi đến hỏi thăm, cô kể một cách chậm rãi bệnh tình cảu con trai, mỗi lúc kể cô lại nắm lấy bàn tay con xoa bóp những mong xoa dịu phần nào cơn đau của con. Anh bị bệnh khi đang là trụ cột lao động của gia đình, trong khi chưa có cả người yêu, với biết bao dự định còn ấp ủ; khối u ngày càng lớn dần lên, còn sức khỏe cơ thể ngày càng suy kiệt. Gia đình cô cũng đã hết khả năng chạy chữa, các Bác sĩ cũng bảo trường hợp này không thể phẫu thuật. Dường như cô đã quá quen đau khổ, hoặc giả, cô muốn giấu những đau buồn ấy trước mặt đứa con yêu dấu cùa mình. Tôi khẽ bảo, “Cô cho con khám bụng của anh một chút được không ạ?” Cô cười nhẹ: “Mấy đứa khám đi, có gì sau này có trường hợp tương tự còn chữa cho người ta nữa,”Tôi nghe mà cảm thấy có chút gì đó tan vỡ trong lòng, cảm giác bất lực trước bệnh nhân của một cậu sinh viên Y3 chới với, chới với với cái bãn ngã lâu nay mình vẫn thường nghĩ tới: 
“Làm Bác sĩ chẳng hề không phải là bức tranh với gam hồng chủ đạo!” Tôi sờ thử vào bụng bệnh nhân, tính sờ xem gan to hay không nhưng thực sự toàn bụng bệnh nhân căng cứ như gỗ, không thể sờ sâu vào. Lại tiếp tục nói chuyện với cô, tâm sự với cô nhiều. Thì ra là vậy, hỏi bệnh không đơn giản chỉ là hỏi- trả lời mà còn có những tình cảm, những câu chuyện, chuyện con người và chuyện cả cuộc đời. Và tôi chợt nghĩ, Bác sĩ cũng chẳng phải là cỗ máy chữa bệnh, mà là một người bạn, một nhà tâm lý, một người đứng về phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong cuộc chiến khắc nghiệt với tử thần… Lúc khám xong chào cô, cô còn ới theo: “Nhớ học cho tốt thành những Bác sĩ tốt nhé!” Cả đám chẳng ai bao ai, tự hứa với lòng mình nhất định sẽ trở thành những Bác sĩ thật giỏi, để xứng đáng với sự tin tưởng của bênh nhân.
Lại nhớ đến chị, người con gái còn còn trẻ, chắc chỉ hơn chúng tôi đôi ba tuổi. Chị được chẩn đoán bị ung thư vú. Dường như chẳng có điểu gì tồi tệ hơn đối với một người trẻ khi nghe đến 2 tiếng ung thư. Chị khóc nhiều, hai mắt sung húp lên đến mà tội. Chúng tôi lại một lần nữa cảm thấy không biết phải làm thế nào. Rồi Bác sĩ cũng đến giải thích với chị rằng ung thư đang ở giai đoạn sớm, nếu phẫu thuật tỉ lệ khỏi rất cao. Khi đó thực sự với tôi, Bác sĩ là một thiên thần áo trắng, mang đến món quà vô giá cho bệnh nhân. Chị nghe vậy nín khóc dần, mấy bạn nữ trong tổ thực tập giúp chị lau nước mắt. Một bạn giúp chị vén mớ tóc, chạy ra mở balo lấy sợi dây chun cột tóc cho chị, nhẹ nhàng và ấm áp lắm. Hình ảnh đó thức sự gây ấn tượng mạnh với tôi, tôi nghĩ đó là hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất trong 2 tuần thực tập ngắn ngủi tại nơi đây. Khi mà chẳng còn ranh giới giữa sinh viên và bệnh nhân, khi mà cuộc hỏi bệnh đôi khi trở thành hành động quan tâm chăm sóc của một người em cho một người chị trong gia đình. Những khái niệm hoang sơ trước đây trong tôi thay đổi, đầy đủ hơn, đẹp đẽ hơn và tình người hơn.
Trong 2 tuần thực tập đó, chúng tôi gặp nhiều những bệnh nhân bị các khối u quái ác khác u như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, …Tất cả đều như những ngọn đèn lay lắt trước gió, ai cũng có những câu chuyện riêng mà chỉ khi ta tâm sự với họ với vỡ nhẽ ra. Như một nhà văn từng viết :” Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”.
Bệnh nhân cũng vậy, họ đã quá mệt mỏi, quá đau khổ, họ cần một người kiên nhẫn tâm tình chứ không phải là những câu hỏi khô khốc lạnh lùng. Đó là một trong những điều tôi đã học được và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Ngoài việc thăm khám tại bệnh phòng, chúng tôi cũng học thêm lý thuyết ở phòng giao ban bệnh viện, học cách khám bệnh ở phòng khám và học kĩ thuật cũng như phụ giúp Bác sĩ thực hiện những ca mổ. Tự thấy bản thân mình trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn và hiểu rõ hơn cái nghiệp cao quý mà mình đang theo đuổi. 
Từ đợt lâm sàng ấy, bạn bè cũng đoàn kết hơn khi cùng nhau nghe bệnh nhân kể những câu chuyện, cùng trải qua những cảm xúc mới mà chỉ tiếp xúc thực tế tại bệnh viện mới có được; cùng nhau hội chẩn hành lang những ca bệnh lạ, những triệu chứng chẳng điển hình như sách vở; cùng hiểu thêm rằng, trên lâm sàng không có bệnh, mà chỉ có người bệnh, cũng là những người thầy của chúng ta. Không khí học tập lớp tôi cũng từ dạo ấy mà sôi nổi hơn, có lẽ ai cũng ý thức được điều mình cần làm, ý thức rẳng mình không còn bé nữa, đã đến lúc cống hiến cho người, cho đời, cho những mục đích y học, để giảm đi những giọt nước mắt đau xót, để không phải ngày mai tới bênh viện thấy giường bệnh trống, phủ màu ga trắng toát lạnh lùng, để đem đến những nụ cười. Nghề của chúng ta chẳng phải là nghề chuyên chở hạnh phúc bị đánh cắp hay sao? 
"Bác sĩ nếm đủ vị đời
Đắng cay mặn ngọt qua lời bệnh nhân
Ngày tháng tận tụy ân cần
Mong người chóng khỏi chẳng cần chi đâu
Mong cuộc đời bớt nỗi sầu
Nhà nhà vui vẻ một màu ấm no
Còn tôi xịn giữ nỗi lo
Chở miền hạnh phúc đến cho mọi người.".
 Mai Xuân Bắc, Đại học Tây Nguyên
Cuộc thi viết và sáng tác ca khúc “Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức với sự đồng hành là Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam.
Bài viết dự thi gửi về địa chỉ mail svvnnhungcauchuyendep@gmail.com. Ban tổ chức sẽ giới thiệu các bài dự thi trên trang mạng xã hội www.facebook.com/svvnnhungcauchuyendep. Các ca khúc dự thi phải gửi kèm ca khúc đã được thu âm (định dạng mp3).
Thời gian nhận bài: từ ngày 01/11/2015 đến hết ngày 20/3/2016
 

 
 
Các tin tức khác:
bnp1bnp
HondaVUGBài ca SVĐơn vị đồng hành 2Đơn vị đồng hành
----Liên kết website----
TRUNG ƯƠNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ðiện thoại: 04.62631849; Fax : 04.38263874
Email: vanphonghsvvn@gmail.com


Đang online:
4
Tổng truy cập:
26.786.430
fbggtw