banner
Thứ Năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024
Tiếng Việt

Em về nhà ăn cơm với bo me đây

Ngày đăng: 22/07/2019
Lượt xem: 4540
"Em về nhà ăn cơm với bo me đây", đến giờ cơm trưa Nguyễn Tuấn Khanh, sinh viên năm 3 Đại học Hoa Sen (TP.HCM), ngừng tay sơn vẽ nói với cả đội.
Các chiến sĩ tình nguyện đã có những ngày sống cùng bo me trong căn nhà sàn truyền thống của người Lào - Ảnh: V.THỦY
Các chiến sĩ tình nguyện đã có những ngày sống cùng bo me trong căn nhà sàn truyền thống của người Lào - Ảnh: V.THỦY

Bo me, theo tiếng Lào, có nghĩa là bố mẹ. Nhà bố mẹ nuôi của Khanh ở cách đó chừng vài trăm mét.

Những ngày dễ thương

Đến bản Mayvangmakcheo (huyện Soukhouma, tỉnh Champasak) làm sân chơi cho trẻ em, Khanh và chín thành viên khác trong đội sơn vẽ tham gia chương trình tình nguyện hè tại Lào đều có những ông bố, bà mẹ nuôi người Lào.

Nhà các bo me đều nằm trên những con đường nhỏ bao quanh ngôi chùa lớn của bản. Cách chùa không xa là ngôi trường cho học sinh tiểu học, chỉ vỏn vẹn một dãy chưa đầy 10 phòng học, trước đây là chỗ học của cả các em cấp II, III. Bãi cỏ rộng thênh thang trước sân trường to hơn cả sân bóng đá. 

Công việc của đội là vẽ trang trí một căn phòng, mắc điện, quạt và bố trí những cầu trượt, nhà banh, trò chơi xếp hình, những con ngựa gỗ đầy màu sắc làm sân chơi cho học sinh trong trường.

Về đến nhà, Tuấn Khanh liền xuống bếp phụ chị nuôi nấu bữa trưa. Bữa trưa có ngọn rau lang luộc, khao niêu (xôi Lào) và gỏi đu đủ - những món ăn thường ngày của người Lào.

"Me du sai, noọng?" - Khanh hỏi chị "mẹ đâu rồi" bằng tiếng Lào và chị chỉ ra đầu ngõ. Biết Khanh không ăn quá cay được như người Lào nên món gỏi đu đủ được chia làm hai với một đĩa ít cay dành cho Khanh. Bốn ngày của Khanh và cả đội ở bản là những ngày miệt mài sơn, vẽ trang trí phòng từ tinh mơ đến tối mịt.

"Bo me em tình cảm lắm. Bữa thì chuẩn bị kà típ khao (giỏ bằng mây đựng xôi của người Lào) cho tụi em mang theo ăn. Nhà bo me em ăn bằng tay nhưng vẫn chuẩn bị muỗng đũa cho tụi em. Giờ em cũng thích ăn bằng tay giống bo me rồi" - Đỗ Nhật Thịnh, sinh viên năm 3 ĐH Mỹ thuật TP.HCM, vui vẻ kể.

Buổi tối, Thịnh và đội ở lại trường làm gấp cho xong để kịp khánh thành công trình. Bo me không thấy con về, lại mang dù đội trời mưa đến đón. Bo của Thịnh khen Thịnh vẽ đẹp nên nhờ bạn làm thêm một bức thư pháp trên gỗ làm kỷ niệm. 

Tối nào cũng về lúc 9-10h đêm nhưng cơm nước xong, Thịnh lại tỉ mẩn ngồi vẽ thư pháp, sơn tường, vẽ muông thú, hoa lá cho một căn phòng để tặng em Mút - cậu bé 6 tuổi quấn chân Thịnh suốt mấy ngày ở bản.

Đỗ Nhật Thịnh và đội sơn vẽ đã có 4 ngày làm việc cật lực ở Soukhouma để trang trí cho sân chơi của các em nhỏ thật đẹp và dễ thương - Ảnh: VŨ THỦY
Đỗ Nhật Thịnh và đội sơn vẽ đã có 4 ngày làm việc cật lực ở Soukhouma để trang trí cho sân chơi của các em nhỏ thật đẹp và dễ thương - Ảnh: VŨ THỦY

Cái tình trên đất Lào

Ở bản Mayvangmakcheo, mọi thứ đều thiếu thốn. Ánh đèn điện mỗi đêm trong nhà các bo me cũng chỉ mờ mờ. Đám trẻ con đen nhẻm, đầu trần, quần áo xộc xệch rong chơi ở những bãi cỏ, triền sông.

"Bo me em ăn ít lắm. Sáng chỉ xắn miếng xôi với măng luộc là xong bữa rồi xách theo một cái kà típ mang theo ăn trưa, tối mới về" - Trần Thị Thùy Trang, sinh viên ĐH Văn Lang, tâm sự.

Thế nhưng những ngày có sinh viên ở cùng, hầu như nhà nào cũng có thịt gà, trứng chiên, cơm chiên. Những lúc bình thường không nói chuyện được với nhau nhiều nên ngay khi có một bạn sinh viên Lào đến nhà là các bo me liền tranh thủ nhờ hỏi xem mấy đứa con nuôi ăn được không, ngủ có ngon không, thích ăn món gì để me nấu.

Buổi tối cuối cùng trước ngày khánh thành sân chơi đã trở thành kỷ niệm đầy ắp tình cảm giữa cả đội với người dân ở bản. Chiếc xe chở gần 20 thành viên khác trong đội tình nguyện đến phụ giúp các thành viên sơn vẽ kịp hoàn thành sân chơi bị sụt xuống sân cát khi xe chuẩn bị rời đi. Ngay lập tức, mấy anh con trai từ nhà các bo me mang một chiếc xe tải đến, phụ cả đội đẩy xe, kéo xe. Bo của Lương Ngọc Nhung - sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - ở gần nhất, vừa đi làm về cũng chạy vội đến.

Mấy tiếng đồng hồ hò nhau kéo, đẩy, bỗng trời bất chợt mưa lớn nên chiếc xe càng lún sâu. Cả đội hình 30 người đành phải ở lại chờ sáng mai khánh thành sân chơi. Ở Soukhouma, những đêm mưa trời tối đen như mực nhưng cứ lâu lâu lại có người dân soi đèn pin, đội mưa mang cho những kà típ xôi kèm với bịch trứng chiên nóng hổi. Ít nhất 3-4 gia đình quanh đó cùng nấu thêm xôi, làm đồ ăn, nấu canh giúp các chiến sĩ no bụng. Cả đội quây quần bên những kà típ xôi, ăn bốc ngon lành.

Cô On Chăn (32 tuổi), giáo viên của trường, vừa mang xôi đến vừa nhiệt tình mời cả đội sang tá túc nhà cô vì sợ ngủ lại sân chơi sẽ bị muỗi đốt và trời lạnh. Đêm hôm ấy, một nhóm về nhà cô giáo ngủ, số còn lại chia nhau về các nhà bo me của đội sơn vẽ.

Sau đêm mưa gió "ấn tượng", sân chơi mở cửa, các em nhỏ ùa vào nô đùa, ném bóng, chơi cầu trượt, xích đu. Đó là sân chơi đầu tiên của trẻ con ở bản nên bọn trẻ vô cùng hào hứng. Nhưng cả đội và bo me lại đỏ hoe mắt cho thời khắc chia tay. Vỏn vẹn bốn ngày ở cùng nhau, họ từ lạ trở thành quen, gọi tiếng bo me thân tình. Ai cũng hiểu rằng sẽ rất khó gặp lại nhau lần nữa trong đời nên không nén nổi cảm xúc.

Thương Lào lúc nào không hay

12 ngày tham gia chương trình tình nguyện hè tại Lào năm 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức trong những ngày vừa qua, với các chiến sĩ tình nguyện của TP.HCM như một kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân sôi nổi. Bởi đi đến đâu cũng đầy ắp thương nhớ và trên cổ tay buộc đầy những sợi chỉ may mắn từ người dân, các bạn Lào.

Hơn 70 chiến sĩ đã đến những bản làng xa xôi khám chữa bệnh, phát thuốc, làm sân chơi và tập huấn nông nghiệp cho người dân. Trên những dòng nhật ký của các chiến sĩ khi trở về TP.HCM, cảm xúc vẫn đong đầy. Họ đã "thương Lào lúc nào không hay"...

 
VŨ THỦY - Báo Tuổi trẻ
Các tin tức khác:
bnp1bnp
HondaVUGBài ca SVĐơn vị đồng hành 2Đơn vị đồng hành
----Liên kết website----
TRUNG ƯƠNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ðiện thoại: 04.62631849; Fax : 04.38263874
Email: vanphonghsvvn@gmail.com


Đang online:
7
Tổng truy cập:
26.787.218
fbggtw