banner
Thứ Năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024
Tiếng Việt

Nguyễn Ái Quốc ở nước Nga Xô Viết

Ngày đăng: 06/05/2020
Lượt xem: 3877
Sau khi để lại bức thư chia tay đầy tình nghĩa và thể hiện ý chí quyết tâm của mình với những người cùng làm việc trong tòa soạn Báo Người cùng khổ, Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp đến nước Nga Xô viết. Ngày 18-6-1923, Nguyễn Ái Quốc tới Berlin, đến ngày 27-6-1923 thì xuống tàu biển đi nước Nga.
 
Tại nước Nga, Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu mọi mặt về nước Nga và tham gia tổ chức Nông dân quốc tế.Ngày 10-10-1923, tại điện Kremli, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế nông dân khai mạc. Nguyễn Ái Quốc dự đại hội với tư cách đại biểu chính thức của nhân dân Đông Dương. Người đã phát biểu trong phiên khai mạc và đọc tham luận trong phiên họp thứ 7. Bế mạc đại hội, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế nông dân. Người đã cùng 10 ủy viên Đoàn chủ tịch ký các văn kiện quan trọng của hội đồng gửi các nước, các khu vực trên thế giới.
 
Nguyễn Ái Quốc xác định mục đích đến Nga để tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, tìm hiểu về nước Nga, gặp Lênin để tìm hiểu, tiếp thu lời chỉ dẫn của Lênin về cách mạng vô sản. Nhưng Lênin ốm nặng, đại hội hoãn họp. Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản phân công công tác tại Ban Quốc tế phương Đông và cử vào học lớp ngắn hạn Trường Đại học Phương Đông. 
 
 
 
Nguyễn Ái Quốc ở nước Nga Xô Viết năm 1923 (Ảnh tư liệu, theo Báo Quân đội Nhân dân)
 
Ngày 21-1-1924, Lênin từ trần. Mặc dù trời giá lạnh, Nguyễn Ái Quốc lặng lẽ xếp hàng viếng Lênin trong niềm tiếc thương vô hạn. Trở về nơi ở, chân tay còn tê cóng, Người ngồi vào bàn viết bài Lênin và các dân tộc thuộc địa. Báo Pravda đã đăng trang trọng trên số báo 27-1 cùng với tin về lễ viếng và lễ truy điệu Lênin.
 
Từ ngày 17-6 đến 8-7-1924 tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V. Người đã trình bày về tình hình thuộc địa và đi đến kết luận: Cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng, chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch.
 
Thời gian ở Nga, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết và gửi bài cho các Báo Le Paria, L’Humanité, La Vie Ouvrie, Pravda và Tạp chí Quốc tế cộng sản. Cũng thời gian này, Người hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Tiếp theo, Người viết bản Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ  gửi Quốc tế Cộng sản, trong đó có một luận điểm quan trọng và mới mẻ: Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Lúc này, sau khi Lênin mất, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp đang có xu hướng bị cường điệu. Nguyễn Ái Quốc đề xuất về sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển Chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi nước, Người viết: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thế giới. Cuối bản báo cáo, Người kiến nghị với Quốc tế Cộng sản về Cương lĩnh hành động của cách mạng thuộc địa và cách mạng Việt Nam. Quốc tế Cộng sản đã chấp nhận và giao cho Nguyễn Ái Quốc nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng một số nước châu Á.
 
Ngày 25-9-1924, Quốc tế Cộng sản phân công Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu, Trung Quốc giúp Borodin đang làm việc tại Quảng Châu với tư cách cố vấn của Chính phủ Tôn Trung Sơn và là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Ngày 12-4-1927 nổ ra cuộc chính biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch. Nguyễn Ái Quốc tìm đường trở lại Moscow. Quốc tế Cộng sản bố trí người đi nghỉ dưỡng ở Krym nhưng Người chỉ nghỉ thời gian ngắn rồi trở lại Moscow hoạt động.
 
Tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc viết cuốn sách Công tác quân sự của Đảng trong nông dân đã trở thành giáo trình dùng cho Trường Quân sự của những người cộng sản Đức. Sau này được A.Neuberg đưa vào sách Khởi nghĩa vũ trang xuất bản ở Luân Đôn nước Anh năm 1970. Tiếp đó là các bài viết Những tội ác ghê tởm của đế quốc Pháp ở đông Dương, ký tên Wang đăng trên Tạp trí Thư tín quốc tế bằng tiếng Đức và tiếng Anh; bài viết Sự thống trị của đế quốc Pháp ở đông Dương, ký tên N.K cũng đăng trên Thư tín quốc tế. Đặc biệt, Người tập trung viết cuốn sách Đường Kách mệnh được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản và phát hành rộng rãi.
 
Trong thời gian ở nước Nga, nhà thơ Oxip Mandenstam đã gặp và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc. Trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, ông nhận xét: "Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc chúng ta nghe như thấy ngày mai, như thấy như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới…Từ Nguyễn Ái Quốc đã toát ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
 
Có thể nói, những năm tháng sống và hoạt động ở nước Nga, trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế làm cho quan điểm chính trị-tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về cơ bản đã được hình thành và con đường cứu nước đã sáng rõ.
 
Văn phòng TW Hội (tổng hợp)
theo Báo Quân đội Nhân dân
Các tin tức khác:
bnp1bnp
HondaVUGBài ca SVĐơn vị đồng hành 2Đơn vị đồng hành
----Liên kết website----
TRUNG ƯƠNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ðiện thoại: 04.62631849; Fax : 04.38263874
Email: vanphonghsvvn@gmail.com


Đang online:
1
Tổng truy cập:
26.855.347
fbggtw