banner
Thứ Năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024
Tiếng Việt

Tham luận: Sinh viên Thủ đô học tập tốt, khơi nguồn sáng tạo

Ngày đăng: 10/12/2018
Lượt xem: 71077

Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Trước hết cho phép tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc sức khoẻ tới các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các bạn sinh viên dự đại hội ngày hôm nay. Tôi rất cảm ơn Ban tổ chức Đại hội đã cho tôi cơ hội đứng ở vị trí vinh dự này đại diện cho sinh viên Thủ đô để chia sẻ với Đại hội tham luận với chủ đề “Sinh viên Thủ đô học tập tốt, khơi nguồn sáng tạo”.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể đại hội!

Bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, thế giới đang có những thay đổi vũ bão, cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hội nhập kinh tế khiến 7 tỉ công dân là 7 tỉ thí sinh đứng trên một vạch xuất phát trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội. Bất kỳ ai đứng ngoài guồng quay chung của xã hội sẽ ngay lập tức bị bỏ lại phía sau. Đây là những thách thức lớn với thế hệ trẻ đặc biệt là sinh viên - những người sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt để có việc làm sau khi tốt nghiệp. 

Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Vai trò của thanh niên với nòng cốt sinh viên càng trở nên quan trọng hơn trọng hơn bao giờ hết khi Đảng cũng xác định chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một trong những mục tiêu chiến lược lớn của Việt Nam trong thời gian tới đây. Nhận thức được trách nhiệm của tuổi trẻ, trước tình hình mới, với mỗi người sinh viên, việc học tập tốt để tự trang bị một hành trang vững chắc không chỉ là quyền mà còn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một trách nhiệm lớn. 

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể đại hội!

Thành phố Hà Nội là trung tâm quy tụ nhiều trường đại học, cao đẳng nhất cả nước - với hơn 100 trường, do đó “Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phải là đơn vị nhận lãnh trách nhiệm đi đầu về các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên” như đ/c Lê Quốc Phong - Chủ tịch Trung ương Hội đã đề nghị, giao nhiệm vụ tại đại hội Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội lần thứ 7.

Thời gian qua, các cấp bộ Hội trong toàn Thành phố đã quan tâm nghiên cứu, tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động tạo môi trường để sinh viên nghiên cứu khoa học, phát huy tinh thần sáng tạo. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hội viên, sinh viên. Nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp của các trường. Hỗ trợ sinh viên cần đi vào những nội dung thiết thực với nhu cầu của sinh viên trong học tập, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực hành xã hội, năng lực ngoại ngữ, việc làm cho sinh viên...để có thể thích ứng với sự chuyển động nhanh của xã hội, sự đổi mới toàn diện của giáo dục Đại học, sự phát triển của cuộc Cách mạng 4.0, sự phát triển của Thủ đô...

Với sứ mạng “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018 xếp hạng 124 trong nhóm các trường Đại học hàng đầu châu Á, và nằm trong top 1000 trường Đại học hàng đầu thế giới. Góp phần trong sự nghiệp đó,   Hội Sinh viên ĐHQGHN cũng đang triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tham gia lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm nâng cao năng lực và tăng cường khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên. Trong phạm vi tham luận này, tôi xin được chia sẻ một số mô hình hoạt động đã và đang được thực hiện tại ĐHQGHN. 

Việc học tập ở bậc đại học sẽ hướng tới việc khuyến khích sinh viên lấy tự học là chính, học tập một cách chủ động và sáng tạo. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, thông qua tuần “Sinh hoạt công dân”, các tân sinh viên mới nhập trường được cung cấp cuốn “Sổ tay phương pháp học tập” tập hợp các kinh nghiệm, phương pháp học tập của các thủ khoa, các sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập hay trong các cuộc thi Olympic quốc gia, quốc tế, phân tích sự khác biệt giữa học phổ thông với học đại học (nhấn mạnh yếu tố tự học), chia sẻ các kỹ năng cần thiết trong học tập như phương pháp tự học, tìm kiếm thông tin trên mạng internet, tra cứu tài liệu thư viện ... cùng với cuốn “Cẩm nang sinh viên”, đây là tài liệu giúp sinh viên vượt qua những bỡ ngỡ, trở ngại ban đầu để sớm bắt nhịp với cuộc sống sinh viên và làm quen với cách học mới để có thành tích tốt hơn trong học tập, tránh tâm lý tự mãn, “xả hơi” sau khi “đỗ đại học” như một bộ phận sinh viên.

Thông qua các câu lạc bộ chuyên môn, học thuật có cố vấn nội dung là các chi đoàn cán bộ khiến nội dung và hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng từ seminar khoa học đến các gameshow kiến thức, từ hội thảo - diễn đàn đến thực tập, thực tế... các bạn sinh viên một lần nữa được cung cấp các kiến thức cập nhật và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết dưới dạng học mà chơi, chơi mà học. Đây vừa là sân chơi, vừa là môi trường để các bạn sinh viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm cũng như các kỹ năng nghề nghiệp khác, phát triển năng lực bản thân để sẵn sàng “lập thân, lập nghiệp” sau này.

Các cuộc thi khai thác chuyên môn, học thuật ngày càng được đoàn – hội các trường, khoa quan tâm tổ chức bài bản. Có thể kể đến như “Cuộc thi đua xe ô tô lập trình”, thi Tin học không chuyên Simple IT, Olimpic Tiếng Anh chuyên và không chuyên toàn quốc, Olympic các môn khoa học, “Khoa học Tự nhiên và Công nghệ với vấn đề biển đổi khí hậu và phát triển bền vững”; “Ngày hội STEM quốc gia”; cuộc thi “RoboHUS mở rộng”; cuộc thi “UET Makerthon”; “Cuộc đua số”; “UET Code Camp- Lập trình Web”; Hội thảo “Nghiên cứu khoa học sinh viên”; “Accounting English Challenger”.

Bên cạnh đó, các cơ sở đã gắn kết hoạt động của các Chi đoàn cán bộ trẻ với hoạt động của sinh viên từ đó phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ trong công tác hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học. Các buổi giới thiệu chuyên ngành, các hướng nghiên cứu, các đề tài/ dự án nghiên cứu khoa học đang triển khai, triển lãm các mô hình nghiên cứu, seminar các thông tin khoa học mới, các kỹ năng cần thiết trong NCKH, kỹ năng viết báo cáo, công bố kết quả nghiên cứu khoa học ... được tổ chức thường niên theo các chuyên ngành chuyên môn khác nhau.

Công tác tuyên dương, nhân rộng điển hình cũng được các đơn vị quan tâm, chú trọng. Các sinh viên có kết quả học tập, nghiên cứu khoa học cũng như tham gia các phong trào thi đua tốt đều được Hội sinh viên đề nghị các cấp có thẩm quyền động viên, khen thưởng và từ đó nhân rộng thành các tấm gương điển hình tiên tiến. Điển hình trong đó ĐTN - HSV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có Giải thưởng về Nghiên cứu Khoa học “Ngọn đuốc xanh” trao giải cho những nghiên cứu khoa học có ý nghĩa đối với sinh viên.

Các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được Hội sinh viên Thành phố Hà Nội chú trọng triển khai, thực hiện với nhiều các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên như: Diễn đàn “Sở hữu trí tuệ - sáng chế - khởi nghiệp;  tọa đàm “từ Công nghệ đến khởi nghiệp”, “Kinh nghiệm khởi nghiệp”;”Khởi nghiệp không khó”;”Ươm mầm khởi nghiệp”; cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp”, “Ngày hội Thành phố Khởi nghiệp sáng tạo”, cuộc thi “Hành trình thành phố khởi nghiệp sáng tạo STARTUPCITY ROADSHOW hay những cuộc thi vươn tầm thế giới như Khởi nghiệp Việt toàn cầu - Vietchalenge. Đặc biệt, hiện tại Đoàn ĐHQGHN đang chủ trì 01 nhiệm vụ thuộc đề án 844 nhằm “Hỗ trợ hoạt động và liên kết của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học và viện nghiên cứu”; triển khai và thực hiện phiếu khảo sát “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”;  tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” cho giảng viên, sinh viên, cán bộ hành chính và quản lý ĐHQGHN và các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội. 

Thông qua các hoạt động này, sinh viên không chỉ được cung cấp kiến thức, kỹ năng từ đó xác định động cơ đúng đắn trong học tập và nghiên cứu khoa học mà còn được tạo môi trường để thực hành, rèn luyện từ đó bồi dưỡng lý tưởng, tầm nhìn, nuôi hoài bão, chắp cánh ước mơ vươn tới tầm cao trong khoa học và công nghệ cũng như đóng góp sức mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì một đất nước “giầu mạnh, văn minh”. Với các hoạt động, phong trào được sâu chuỗi một cách bài bản, nằm trong tổng thể có tính logic, thống nhất cao, có thể khẳng định rằng Hội sinh viên đã thể hiện được vai trò “đồng hành” cùng sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học vì vậy mà phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên luôn luôn mạnh mẽ, và có sức lan tỏa lớn và có những đóng góp tích cực trong thành tích chung của đơn vị đào tạo.

Mặc dù các trường Đại học - Cao đẳng và cấp bộ HSV trên cả nước có rất nhiều cách làm phong phú, hiệu quả nhưng việc thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên còn một số hạn chế như: chưa lan tỏa sâu rộng, không phải sinh viên nào cũng hào hứng với các hoạt động học tập hay sáng tạo; một bộ phận sinh viên chưa có phương pháp, kỹ năng, động cơ học tập đứng đắn dẫn đến “khủng hoảng niềm tin”, “lạc lõng tìm kiếm giá trị” dẫn đến buông thả, xa vào vòng xoáy tệ nạn, cuốn theo mặt trái và tác động tiêu cực của xã hội. Ở một số nơi, tổ chức Hội Sinh viên chưa làm tốt vai trò tạo môi trường, hỗ trợ sinh viên học tốt và tham gia sáng hoạt động sáng tạo. Tính định hướng, việc chủ động tham gia tháo gỡ khó khăn mà sinh viên gặp phải trong học tập và nghiên cứu khoa học của Hội sinh viên còn hạn chế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những hướng giải quyết mà trước hết cần nắm được nguyên nhân. Theo tôi những tồn tại ấy xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

- Lý do đầu tiên đến từ chính các bạn sinh viên đó là tính chủ động, khả năng tự học của sinh viên còn hạn chế. Một số sinh viên học tập mang tính thụ động và khuôn mẫu, chỉ học bài và ôn bài khi sắp thi, chưa chủ động đào sâu nghiên cứu, tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn, định hướng cho bản thân. Một bộ phận sinh viên còn mất nhiều thời gian cho games, lướt web nói chuyện phiếm, la cà ở các quán nước vỉa hè,... Một bộ phận sinh viên còn thiếu đam mê, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch học tập cụ thể. Điều đó giống như một con thuyền trôi không rõ phương hướng, không tìm thấy đích đến của hành trình. Sự tự nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc tự nỗ lực, tự học tập, rèn luyện trong phát triển bản thân của một bộ phận sinh viên còn chưa cao. Điều này đã hạn chế phần nào sự nỗ lực phấn đấu, phát triển năng lực để thay đổi cuộc sống của họ. Một bộ phận sinh viên chưa có sự nỗ lực cố gắng trong việc tự hoàn thiện bản thân mà chủ yếu trông chờ, đổ lỗi cho nền giáo dục, cho chính sách và các điều kiện khách quan khác…

- Thứ hai, một bộ phận cán bộ Hội nghĩ rằng “Hội Sinh viên mang tính chất của tổ chức Hội thì chỉ nên tập trung vào các hoạt động mang tính chất vui chơi, giải trí phục vụ đời sống tinh thần của sinh viên chứ các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học là việc của Nhà trường và các thầy cô giáo”. Ở một số nơi, tổ chức và cán bộ Hội sinh viên còn thụ động, chưa chú trọng thậm chí coi nhẹ việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên học tập. Họ đã quên học tập là nhiệm vụ chính trị của sinh viên và với vai trò “chăm lo, bảo vệ quyền lợi” cho các bạn sinh viên thì tổ chức Hội sinh viên và đội ngũ cán bộ Hội cần đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập - nghiên cứu khoa học của sinh viên trong nhà trường.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể đại hội!

Chưa bao giờ thách thức đặt ra với chúng ta - những người sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường lại to lớn đến vậy, chưa bao giờ sức ép của xã hội, guồng quay tri thức của nhân loại với chúng ta mạnh mẽ đến vậy nhưng tôi tin rằng sinh viên chúng ta sẽ nhìn ra những cơ hội, những thuận lợi từ trong những thách thức để nắm bắt và cùng nắm tay nhau đi lên để viết tiếp những trang sử hào hùng truyền thống của Sinh viên Việt Nam. Vậy để phong trào sinh viên học tập và sáng tạo thực sự có sức lan tỏa mạnh và phát triển mạnh mẽ, mang đến hiệu quả thiết thực đối với sinh viên, tôi xin có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

1. Đối với Nhà trường

Cần nhất quán và coi trong công tác hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, coi các công trình sáng tạo của sinh viên là giải pháp có tính đột phá góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của Nhà trường đồng thời cần có những chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động sáng tạo với sự tham gia, xúc tiến, hỗ trợ của các tổ chức ngoài Nhà trường để kết nối với các nhu cầu thực tiễn cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư. Tạo một môi trường của sự sáng tạo, ham học hỏi gắn liền với sự chuyển động của xã hội có như vậy thì số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ lớn hơn rất nhiều hiện nay và cũng làm giảm bớt nỗi bức bí về nguồn nhân lực cho không ít công việc mang tính thực tiễn ở bên ngoài nhà trường.

Nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng mở (cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt để giảng dạy cho người học), nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Cần chuyển từ hình thức học chủ yếu ở trên lớp sang hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học làm tăng tư duy sáng tạo cho sinh viên.

Cần thay đổi tiêu chí đánh giá trình độ sinh viên từ chỗ coi trọng việc hấp thụ tri thức đến việc đề cao năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành của sinh viên. Chuyển từ hướng dạy học theo lối “áp đặt” sang hướng trang bị các phương pháp tiếp cận, thu nhận và xử lý các thông tin và tri thức nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tư duy nhạy bén, tính tích cực chủ động của sinh viên. Tăng cường sự tương tác giữa thầy giáo và sinh viên, kích thích năng lực tư duy, năng lực giao tiếp... cho sinh viên. 

2. Đối với tổ chức Hội sinh viên

- Thứ nhất, tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; kết hợp với việc giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập, NCKH, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên. 

- Thứ hai, Hội Sinh viên cần tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa để tập hợp những vướng mắc và cùng giải quyết. Muốn được như vậy thì các cán bộ Hội phải đi sâu, nắm rõ được tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội và thường xuyên phản ánh với các cấp. 

- Thứ ba, Hội Sinh viên cần có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin về nghiên cứu khoa học, các hoạt động thúc đấy tinh thần sáng tạo đến gần hơn với sinh viên hơn nữa, làm cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, của việc học tập sáng tạo. Nghiên cứu khoa học không phải là một điều gì đó xa vời mà rất thiết thực với bản thân sinh viên.

- Thứ tư, phối hợp với Đoàn thanh niên, các phòng ban chức năng phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đa dạng hoá về nội dung, hình thức các sân chơi kiến thức, giáo dục kỹ năng nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật và kỹ năng cho sinh viên. Công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình trong học tập và nghiên cứu khoa học cũng cần được chú trọng.

- Thứ năm, Hội Sinh viên cần phải là cầu nối thực sự giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Đây là một kênh thông tin chính thức, có thể đảm bảo tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học, các ý tưởng sáng tạo trong sinh viên. 

3. Đối với sinh viên

- Một là: tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp từ đó phát huy được hết các khả năng tư duy, sáng tạo của mình trong quá trình học tập, nghiên cứu đồng thời tạo thêm niềm hứng khởi, say mê trong quá trình học tập. Đây là các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn đến kết quả và chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên. 

- Hai là: Nâng cao khả năng Tự học và tăng cường thảo luận. Ngoài thời gian nghe giảng trên lớp thì sinh viên cần tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ở thư viện để mở rộng và đào sâu tri thức, trong đó kỹ năng tự đọc tài liệu rất quan trọng. Tận dụng tối đa tiện ích và ứng dụng CNTT trong việc khai thác, tìm kiếm và chia sẻ học liệu qua mạng Internet. Nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận sinh viên phải là tích cực trình bày quan điểm và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời và thay vì đi vào những vấn đề quá phức tạp và mất nhiều thời gian thì hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.

Nếu có thể thực hiện tốt được những điều trên, phong trào sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia đông đảo các bạn các bạn sinh viên vốn đã mang trong mình khát khao được học tập và khám phá.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa các bạn sinh viên thân mến!

Tương lai của đất nước nằm trong tay của thế hệ sinh viên chúng ta chính vì vậy chúng ta cần phải chú trọng thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của một sinh viên đó là học tập, chỉ có học tập, nghiên cứu chúng ta mới có thể làm chủ được tri thức, công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lập thân, lập nghiệp, trở thành những công dân có ích đối với xã hội.

Trên đây là một số ý kiến của tôi với chủ đề: “Sinh viên thủ đô học tập tốt, khơi nguồn sáng tạo”, hi vọng sẽ nhận được những lời chia sẻ đóng góp   từ các đồng chí.

Cuối cùng một lần nữa xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể các đồng chí sức khoẻ, thành công và hạnh phúc!

Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn! 

Các tin tức khác:
bnp1bnp
HondaVUGBài ca SVĐơn vị đồng hành 2Đơn vị đồng hành
----Liên kết website----
TRUNG ƯƠNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ðiện thoại: 04.62631849; Fax : 04.38263874
Email: vanphonghsvvn@gmail.com


Đang online:
3
Tổng truy cập:
26.786.343
fbggtw